Bạn đã sẵn sàng chuyển việc?

Ngày nay, câu chuyện chuyển hướng sự nghiệp có lẽ rất quen thuộc với hầu hết mọi người. Hoặc chính bạn là nhân vật chính trong câu chuyện của mình, hoặc bạn được lắng nghe chia sẻ từ những người thân, bạn bè xung quanh.

Chọn một con đường sự nghiệp mới không chỉ đơn giản là thay đổi công việc mà còn là hành trình một người khám phá lại bản thân, giá trị và đam mê của mình. Trong bối cảnh tương lai 5 năm tới, với dự đoán rằng 69 triệu việc làm mới được tạo ra và 83 triệu việc làm biến mất, 44% các năng lực nền tảng yêu cầu ở người lao động sẽ có chuyển đổi đáng kể (theo báo cáo The Future of Jobs 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – WEF), việc chuyển đổi nghề nghiệp, lĩnh vực làm việc thường xuyên sẽ sớm trở thành một xu hướng của thời đại.

Trong bối cảnh hiện tại, đây vẫn không phải là một quyết định dễ dàng với nhiều người. Khi thay đổi con đường sự nghiệp, một người gặp thường gặp áp lực không chỉ từ chính mình mà còn từ môi trường bên ngoài. Nỗi lo lắng về một tương lai bất định cùng với những kỳ vọng, hay bất đồng quan điểm với gia đình, bạn bè có thể khiến họ mất động lực, chần chừ đưa ra quyết định, dần dần mất đi niềm tin ở bản thân và bỏ lỡ những cơ hội phù hợp.

Nếu bạn đang ấp ủ kế hoạch thay đổi con đường sự nghiệp và đang phân vân rằng liệu mình đã sẵn sàng để hành động chưa, thì hãy thử tự đánh giá bản thân với 3 câu hỏi sau.

Tôi đã có định hướng cho bản thân ở giai đoạn sắp tới chưa?

Việc có một mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp bạn xác định rõ hướng đi cần thiết. Nếu không có mục tiêu, bạn có thể dễ dàng lạc lối hoặc phân tâm bởi những lựa chọn không phù hợp với tầm nhìn của mình. Mục tiêu của bạn cần đủ cụ thể, sao cho bạn có thể bẻ nó ra thành những mảnh ghép nhỏ hơn, cho phép bạn thực hiện từng bước một. Theo đó, bạn hoàn toàn có thể dõi và đánh giá tiến độ thực hiện của mình và có thể điều chỉnh kế hoạch hành động, hoặc thay đổi phương pháp để tiến tới mục tiêu cuối cùng.

Ví dụ, một người bạn của tôi sau khi trải nghiệm một vài năm làm việc trong mảng Brand Marketing đã quyết định chọn một hướng đi chuyên môn là nghiên cứu thị trường. Từ mong muốn đó, người bạn ấy đã xác định cho mình một mục tiêu là học lên cao hơn về Nghiên cứu – Phát triển Thị trường tại một đất nước khác. Để có cơ sở thuyết phục hội đồng tuyển sinh của trường nơi bạn chọn theo học, đồng thời để trải nghiệm học tập đạt được hiệu quả cao nhất, bạn quyết định dành ra 2 năm làm việc tại Việt Nam ở vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường, tích lũy kinh nghiệm. Trước khi rời khỏi công việc hiện tại vốn không phù hợp với định hướng tương lai của mình, bạn đã định hình lĩnh vực, quy mô công ty, tính chất và mô tả công việc, hình dung về đồng nghiệp và người hướng dẫn,v.v. cho vị trí công việc tiếp theo. Tuy vậy, câu chuyện tìm việc làm mới sau đó không mấy thuận lợi với bạn. Trải qua hơn 6 tháng với những cơ hội không thật sự phù hợp, đã có rất nhiều lần bạn chán nản và cảm thấy lung lay với quyết định của mình. Tuy nhiên, nhờ có một mục tiêu rõ ràng, bạn không đi chệch khỏi con đường mà mình mong muốn. Ở tháng thứ 8 kể từ khi bắt đầu hành trình, bạn đã tìm được một nơi phù hợp với các tiêu chí của mình, hoàn thành được một bước trên hành trình sự nghiệp lâu dài. Người bạn ấy ở hiện tại cảm thấy hài lòng với những thành tựu của mình trong công việc trong 2 năm qua, và đã tự tin chuẩn bị hồ sơ, bắt đầu thực hiện giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch dài hơi của mình.

Ở một chiều hướng khác, chúng ta rất dễ bắt gặp câu chuyện của một người nào đó, tuy muốn chuyển hướng sự nghiệp nhưng chưa có một hình dung rằng bản thân sẽ làm gì tiếp theo. Họ quyết định dừng công việc hiện có một cách ngẫu hứng, sau đó dành thời gian cho bản thân như đi du lịch, học ngoại ngữ, làm một dự án cá nhân, v.v. Sau một khoảng thời gian, họ bắt đầu cảm thấy trống rỗng, hoài nghi về ý nghĩa của những việc mình đang làm.

Khi thiếu một mục tiêu, chúng ta dàn trải thời gian, năng lượng và các nguồn lực của mình ở nhiều hoạt động, mà một vài trong số đó có thể là không thật sự đóng góp vào sự phát triển cá nhân mà ta đang cần. Một mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn cam kết với bản thân và tiếp tục kiên trì ngay cả khi gặp trở ngại.

Tôi có biết và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn sẽ phát sinh không?

Mỗi khi bắt đầu một điều gì mới, chắc chắn chúng ta sẽ gặp thử thách nhất định. Với những ai quyết định “làm lại” – chọn một sự nghiệp mới, thử thách mà họ phải đối mặt còn nhiều thêm một phần. Đó chính là sự đánh đổi những gì ổn định hiện có để tạo lập một nền tảng mới.

  • Có thể bạn cần theo học Đại học một lần nữa ở chuyên ngành mới
  • Hoặc bạn phải bắt đầu lại từ một vị trí công việc thấp với mức lương trở lại mức khởi điểm, đồng thời sẽ làm việc với các đồng nghiệp trẻ hơn nhưng có chức vụ cao hơn.

Ngoài ra, còn có yếu tố xã hội và gia đình, khi những người xung quanh có thể không hiểu hoặc không ủng hộ quyết định của bạn, khiến cho việc chuyển hướng sự nghiệp càng trở nên cô đơn và khó khăn hơn.

Hai tình huống này chỉ là những ví dụ tiêu biểu nhất. Còn rất nhiều thử thách có thể phát sinh, tùy vào trải nghiệm của mỗi cá nhân.

Quay lại câu chuyện ở trên, tuy đã lường trước tình huống rằng bản thân sẽ đi sau những đồng nghiệp trẻ hơn nhưng có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực mới, người bạn của tôi vẫn không hoàn toàn tránh khỏi cảm giác mất tự tin. Xen lẫn vào đó còn là sự hối tiếc khi nghĩ về những điều bạn từng có và các cảm xúc phức tạp khác như bất mãn, uể oải trong công việc. Phải mất một khoảng thời gian học cách điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc, bạn mới dần thích nghi với thực tế, tìm ra những giá trị mới trong công việc và bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn với vị trí mới.

Bạn cũng chia sẻ với tôi rằng ở giai đoạn đầu của chặng đường này, những câu chuyện bình thường trên bàn cơm, hay những lời thăm hỏi đơn giản từ gia đình cũng thường bị bạn, dưới áp lực và nỗi lo từ bên trong, nhìn nhận như là một ám chỉ tiêu cực về lựa chọn của mình. Chỉ đến khi tháo gỡ được nút thắt bên trong chính mình, bạn mới biết được cách giao tiếp đúng đắn hơn với người thân và bạn bè xung quanh. Một số quan điểm bất đồng vẫn còn đó, nhưng người bạn ấy không còn ôm tất cả cảm xúc tiêu cực về phía mình, đồng thời thông cảm hơn với nỗi lo của gia đình và trân trọng tình cảm mà họ dành cho mình. Từ đó, bạn càng quyết tâm để đi tiếp con đường mới mình đã chọn để người thân an lòng.

Tôi có thể dự phòng tài chính trong bao lâu cho quá trình chuyển đổi? 

Ngoài thời gian và công sức, việc chuyển hướng sự nghiệp thường đòi hỏi nguồn lực để học hỏi những kỹ năng mới và thích nghi với môi trường mới. Các chi phí liên quan đến việc học tập có thể khá cao, làm tăng thêm gánh nặng tài chính trong khi thu nhập có thể bị giảm sút. Đặc biệt nếu quá trình chuyển đổi kéo dài hơn dự kiến, hoặc khi bạn đang có những vai trò quan trọng khác như chăm sóc cha mẹ, con nhỏ, áp lực tài chính có sẽ càng lớn hơn.

Tìm kiếm một vòng quanh các nền tảng mạng xã hội với các từ khóa như “thay đổi sự nghiệp”, “bắt đầu lại”,v.v. và lắng nghe người thật với những câu chuyện thật, chúng ta có thể bắt gặp nhiều người thậm chí muốn quay trở lại công việc hay ngành nghề cũ dù trước đó họ rất chắc chắn với quyết định rời đi của mình. Nguyên nhân phổ biến nhất chính là áp lực về tài chính khi họ chưa kịp có được nguồn thu nhập mới, trong khi khả năng đạt được mức thu nhập nhờ kinh nghiệm cũ vẫn còn đó và hoàn toàn có thể khai thác được.

Tóm lại, áp lực tài chính khi chuyển đổi sự nghiệp là một thách thức lớn, đòi hỏi người lao động cần có kế hoạch tài chính cụ thể, chuẩn bị tâm lý, và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Việc này cần sự cân nhắc kỹ lưỡng và có thể cần sự hỗ trợ từ gia đình hoặc các chuyên tư vấn và/hoặc cố vấn để vượt qua.

Tác giả: Minh Thảo

Biên tập: Thủy Trúc

Nguồn: Hướng Nghiệp Sông An. (2024, ngày 09 tháng 08). Bài viết theo chuyên mục. Truy cập ngày 13/08/2024, từ https://huongnghiepsongan.com/de-chuyen-nganh-khi-nao-ban-biet-ban-da-san-sang/

[Được Hướng nghiệp Sông An cho phép chia sẻ với mục đích lan tỏa kiến thức không vì lợi nhuận từ Kênh Tài nguyên Sông An]

0983385908
0983385908